Giải quyết vấn đề chia tay một cách êm đềm khi người yêu dọa tự tử

Trong hoàn cảnh bình thường thì nói lời chia tay vốn đã khó, nhưng nếu người-yêu-sắp-cũ đe dọa sẽ làm tổn thương bản thân hoặc tự tử thì việc chấm dứt mối quan hệ dường như là không thể. Quan trọng hơn, bạn cần biết rằng nếu ai đó dọa sẽ tự tử sau khi chia tay nghĩa là họ đang khủng bố bạn về mặt tinh thần.[1] Sự đe dọa của người yêu sẽ khiến bạn cảm thấy tội lỗi, sợ hãi hoặc tức giận, nhưng bạn vẫn có thể (và nên) chấm dứt tất cả với họ. Có một vài cách để giảm thiểu rủi ro họ làm hại bản thân khi bạn chia tay, bắt đầu bằng cách nói chuyện chân thành với đối phương. Trong suốt quá trình chia tay, hãy luôn đặt sự an toàn của cả hai lên hàng đầu, đồng thời đừng quên quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bạn.

Nói chuyện với đối phương


  1. Nhấn mạnh rằng bạn quan tâm đến đối phương. Nói với người đó rằng họ vẫn còn quan trọng với bạn, cho dù cả hai đang chia tay. Cho họ biết rằng bạn không muốn anh ấy/cô ấy tự làm tổn thương bản thân.[2]
    • Bạn hãy nói điều gì đó như: “Anh vẫn rất quan tâm đến em, xin lỗi vì điều này quá khó khăn với em”. Bạn cũng có thể nói: "Anh rất đau lòng khi em nói rằng sẽ làm tổn hại bản thân. Cho dù tình cảm này không đi đến đâu thì với anh, em vẫn là một cô gái tuyệt vời."
    • Họ có thể không tin những gì bạn nói. Hãy cho họ biết rằng bạn sẵn lòng giúp đỡ, nhưng đừng tự gây áp lực bằng cách làm điều gì đó mà bạn không thoải mái.


  2. Hạn chế cãi vã. Không nên thách thức hoặc gây gổ với bạn trai/bạn gái khi họ đe dọa tự tử. Nếu cảm thấy bạn không xem điều đó là nghiêm túc, họ có thể làm thật để chứng minh rằng bạn đã sai.[3]
    • Ví dụ, bạn nên tránh nói những điều như: “Em không dám đâu” hay “Em chỉ nói vậy để anh cảm thấy mình tệ hại đúng không?” Thay vào đó, bạn có thể nói: "Anh rất buồn vì em có suy nghĩ như vậy."
    • Bạn cũng có thể hạn chế tranh cãi bằng cách sử dụng cấu trúc câu có chủ ngữ là "Tôi", chẳng hạn như: "Tôi rất mệt mỏi vì mối quan hệ này" thay vì "Em không mang đến cảm giác hạnh phúc cho tôi", cách nói đổ lỗi sẽ dễ khiến đối phương cảm thấy muốn phòng thủ.[4]
    • Nói giọng mềm mỏng với tông giọng thấp. Duy trì ngôn ngữ cơ thể mở với hai tay và chân thả lỏng bên hông. Khi bạn cao giọng và sử dụng ngôn ngữ cơ thể đáng sợ (chẳng hạn như khoanh tay hoặc siết chặt nắm đấm), cuộc tranh cãi sẽ dễ nảy ra hơn.


  3. Duy trì giới hạn. Cho bạn trai/bạn gái biết rằng bạn sẽ không đổi ý. Nhắc lại lý do vì sao bạn muốn chia tay. Hãy tỏ ra tử tế nhất có thể, nhưng đừng nói kiểu không rõ ràng.[5]
    • Bạn có thể nói rằng: “Anh là một người tốt và mang đến cho em rất nhiều thứ, nhưng em không thể đánh đổi những mục tiêu dài hạn của mình cho mối quan hệ này”.


  4. Nhắc nhở đối phương rằng lựa chọn của họ không liên quan đến bạn. Nói với người yêu cũ rằng bạn không thể kiểm soát việc họ có tự tử hay không. Đừng để họ đẩy trách nhiệm về phía bạn.[6]
    • Ví dụ, khi người-yêu-sắp-cũ nói: “Nếu anh không còn trên đời này, đó là lỗi của em,” bạn có thể trả lời rằng: “Em không muốn anh có mệnh hệ nào, nhưng đó là lựa chọn của anh chứ không phải em. Việc anh làm nằm ngoài tầm kiểm soát của em”.


  5. Nói với bạn trai/bạn gái rằng họ không chỉ có duy nhất tình cảm này. Nhắc nhở đối phương về những phẩm chất tốt đẹp, tài năng và sở thích của họ. Cho người ấy biết rằng họ không cần ai khác để xác định hay hoàn thiện bản thân.[7]
    • Ví dụ, bạn có thể nói rằng: “Em biết rằng lúc này rất khó nghĩ, nhưng anh đáng giá hơn nhiều chứ không phải chỉ là một mảnh ghép trong tình cảm của chúng ta. Anh sắp thi vào ngành thú y và sẽ làm được rất nhiều việc tốt cho đời. Khi đó, anh có thể hạnh phúc hơn với người khác”.
    • Nhắc nhở anh ấy/cô ấy rằng người khác cũng quan tâm đến họ. Khi đó, bạn hãy kể tên những người có thể ở bên cạnh họ trong thời gian này.


  6. Tìm nơi giúp đỡ người ấy. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người yêu bạn có thể gọi và tìm sự giúp đỡ. Khuyến khích họ nói chuyện với chuyên gia tâm lý hoặc tư vấn viên bằng cách tìm giúp thông tin liên hệ của dịch vụ sức khỏe tâm lý trong khu vực.[8]
    • Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý Việt Nam có hỗ trợ đường dây nóng 1900599830 - tổng đài Tâm sự bạn trẻ. Nếu ở Mỹ, bạn hãy gọi đường dây nóng phòng chống tự sát (National Suicide Prevention Lifeline) số 1-800-273-8255. Đây là đường dây nóng miễn phí, bảo mật và phục vụ 24/24.[9]
    • tamsubantre.org là trang trực tuyến thay thế cho số điện thoại đường dây nóng trên. Các chuyên gia tư vấn luôn sẵn sàng hỗ trợ từ 9h - 12h vào sáng thứ hai, thứ tư và thứ sáu.[10]
    • Wikipedia có các danh sách các đường dây nóng phòng chống tự tử ở nhiều quốc gia.[11]

Phương pháp2
Đảm bảo cả hai được an toàn


  1. Coi lời đe dọa của họ là nghiêm túc. Đừng phớt lờ lời cảnh báo của người yêu bạn hoặc cho rằng anh ấy/cô ấy đang hù dọa. Cũng có trường hợp đó, nhưng an toàn là trên hết. Giả sử rằng họ thực sự nghĩ như vậy thì bạn cần hành động một cách thích hợp.[12]
    • Nếu đối phương đưa ra lời đe dọa tự tử mơ hồ, hãy đề nghị đưa họ đi cấp cứu hoặc gọi cho tổng đài Tâm sự bạn trẻ ở số 1900599830.
    • Gọi bạn bè hoặc người thân của người ấy đến ở bên họ.[13]
    • Không được để họ ở một mình, nhưng người giám sát thích hợp dĩ nhiên không phải là bạn. Đừng để anh ấy/cô ấy nghĩ rằng đe dọa tự tử là cách duy nhất để được bạn chú ý.


  2. Gọi 112 hoặc 113 trong tình huống khẩn cấp. Nếu bạn nghĩ rằng người yêu cũ đang gặp nguy hiểm, đang làm hại bản thân hay ai khác, hãy gọi cảnh sát ngay. Đừng lo về việc bạn có thể nhầm lẫn tình huống – an toàn vẫn là trên hết.[14]
    • Cố gắng xác định vị trí của người đó trước khi gọi cảnh sát. Đừng để họ biết rằng bạn đang gọi cho lực lượng hỗ trợ. Điều này sẽ giúp cảnh sát tiếp cận anh ấy/cô ấy kịp thời.


  3. Cảnh báo cho gia đình hoặc bạn bè của người đó. Nếu lo lắng cho sự an toàn của người yêu cũ, bạn cần đảm bảo rằng sẽ có người trông coi đối phương sau khi bạn nói lời chia tay. Liên hệ với 1-2 người thân, bạn bè hoặc bạn cùng phòng của anh ấy/cô ấy và cho họ biết sự lo lắng của bạn. Nhờ họ thường xuyên ở nhà để có thể hỗ trợ người yêu cũ của bạn nhiều hơn sau khi bạn chia tay.[15]
    • Hãy nói: “Này, mình nghĩ bạn khá sốc, nhưng tối nay mình sẽ chia tay Thảo. Cô ấy nói sẽ tự tử nên mình lo lắm. Bạn có thể đến ở cùng cô ấy vài ngày sau khi mình đi được không?”
    • Đừng rời đi cho đến khi có ai khác đến, như vậy sẽ đảm bảo được sự an toàn cho người ấy.
    • Nhớ chọn người mà bạn biết là có quan hệ thân thiết với người-yêu-sắp-cũ.


  4. Đến nơi an toàn nếu bạn cảm thấy nguy hiểm. Đôi khi lời đe dọa tự làm hại bản thân là dấu hiệu cho thấy người đó có vấn đề lớn với bạo lực. Nếu bạn cảm thấy bị đe dọa vào bất kỳ lúc nào trong khi chia tay, hãy rời đi ngay. Bạn có thể nói rõ mọi chuyện với nhau và chấm dứt qua điện thoại nếu cần thiết.[16]
    • Nếu người ấy có tiền sử về bạo lực thì bạn nên chia tay họ qua điện thoại hoặc ở nơi đông người.
    • Đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu trong tình huống nguy hiểm, cho dù bạn lo sợ cho người khác.
Tham khảo thêm một số bài viết hay:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Legal Newsletter | May 2023

Dear Valued Customers and Partners, GV Lawyers would like to introduce you to Legal Newsletter Issue No. 05 of May 2023 . This newslette...